Giá đồng, than và cao su đồng loạt tăng mạnh trong khi dầu thô, đường giảm sâu

03/06/2021

Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ, sản lượng dầu thô nước này trong tháng 3 đã tăng 10,47 triệu thùng/ngày, mức cao kỷ lục. Trong khi đó, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) có thể sẽ sớm đẩy tăng sản lượng. Các bộ trưởng Saudi Arabia, Các Tiểu Vương quốc Ảrập Thống nhất (UAE), Kuwait và Algeria sẽ nhóm họp với Oman (nằm ngoài OPEC) tại Kuwait vào ngày thứ Bảy (9/6). Dự báo, tại cuộc họp chính thức sắp tới của OPEC (ngày 22/6), nhóm này sẽ thống nhất nâng sản lượng để hạ nhiệt thị trường trong bối cảnh lo ngại về vấn đề nguồn cung của Iran và Venezuela và sau khi Washington bày tỏ quan ngại rằng giá dầu đã tăng "quá xa".

Than Indonesia tăng giá gần 8%

Giá than tham chiếu trong tháng 6 của Indonesia đã được điều chỉnh tăng lên 96,61 USD/tấn, từ mức 89,53 USD/tấn của tháng 5. Phát ngôn viên của Bộ Năng lượng nước này, Agung Pribadi cho hay họ tăng giá than vì Trung Quốc hạn chế sản xuất mặt hàng này và tác động bởi giá dầu thế giới gần đây tăng mạnh. Tuy nhiên, trong phiên vừa qua, giá than cốc tại thị trường Trung Quốc giảm nhẹ 3,5% xuống 2.025 NDT/tấn, trong khi than luyện cốc giảm 1,2% xuống 1.238,50 NDT/tấn.

Palađi không giữ lâu được mức cao nhất 3 tuần, vàng vững trong khi bạc tăng còn bạch kim giảm nhẹ

Giá palađi kết thúc phiên giảm 0,5% xuống 994,47 USD/ounce, trong phiên có lúc giá chạm mức cao nhất 3 tuần là 1.010,50 USD/ounce. Sản xuất ô tô Trung Quốc tháng 4 vừa qua hồi phục mạnh đã đẩy giá kim loại quý này tăng. Tháng 4 Trung Quốc đã sản xuất 2,4 triệu ô tô, tăng 12,3% so với cùng tháng năm ngoái; tiêu thụ ô tô trong tháng này cũng tăng 11,5% lên 2,32 triệu chiếc.

Vàng vững giá do USD yếu đi và những rủi ro chính trị ở Italia cũng giảm dần, mặc dù triển vọng lãi suất của Mỹ tăng ngăn giá vàng tăng. Vàng giao ngay cuối phiên vững ở 1.292,90 USD/ounce, vàng Mỹ giao tháng 8 giảm 2 USD (0,2%) xuống 1.297,30 USD/ounce. Bạc tăng 0,1% lên 16,37 UUSD/ounce, trong khi bạch kim giảm 0,2% xuống 897,25 USD vào lúc cuối phiên mặc dù trước đó có lúc xuống mức thấp nhất 10 ngày là 894,55 USD/ounce.

Đồng có nhiều khả năng sẽ còn tăng giá hơn nữa

Giá đồng giao sau 3 tháng trên sàn London (LME) – tham chiếu cho toàn thế giới – kết thúc phiên tăng 1,2% lên 6.975 USD/tấn, trong phiên có lúc chạm mức cao nhất kể từ 22/5 là 6.992 USD/tấn, và được các nhà phân tích nhận định là sẽ còn tiếp tục tăng thêm nữa bởi đồng USD yếu đi và lo ngại khan hiếm nguồn cung khi công nhân ở mỏ đồng lớn nhất thế giới (Escondida tại Chile) bắt đầu cuộc thương lượng với giới chủ về vấn đề tiền lương. 

Còn nhớ năm ngoái sau khi những cuộc thương lượng như vậy thất bại thì công nhân ở đây đã đình công trong suốt 44 ngày, đẩy giá đồng tăng mạnh. Nếu điều này tái diễn, đúng lúc nhà máy luyện đồng lớn thứ 2 của Ấn Độ phải đóng cửa do vấn đề môi trường, thị trường chắc chắn sẽ nóng lên. Trước khi có sự kiện này, Cơ quan Nghiên cứu Đồng Quốc tế nhận định thị trường năm nay sẽ dư thừa 43.000 tấn, nhưng sẽ thiếu hụt 331.000 tấn vào năm 2019.

Cao su hồi phục từ mức thấp nhất 2 tuần

Giá cao su tại Tokyo tăng trở lại do đồng yen yếu đi so với USD (giảm 0,15% xuống 109,66 JPY) và chứng khoán Tokyo tăng điểm (lên mức cao nhất 1 tuần) bất chấp số liệu việc làm của Mỹ tích cực, bởi quan ngại nếu xảy ra một cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và các nền kinh tế còn lại trên thế giới thì kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng chậm lại. Cao su giao tháng 11 trên sàn Tokyo (TOCOM) tăng 1 JPY lên 190,4 JPY (1,74 USD)/kg. Trái lại trên các sàn khác, giá đều giảm, cụ thể hợp đồng tháng 9 trên sàn Thượng Hải trái lại giảm 25 NDT xuống 11,895 (1.823 USD)/tấn, trong khi hợp đồng giao tháng 7 trên sàn Singapore giảm 0,6 US cent xuống 142,4 US cent/kg.

Đường giảm mạnh 5%

Giá đường thô giao tháng 7 giảm 0,62 US cent (4,95%) xuống 11,9 US cent/lb, mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 4/2017, do có sự điều chỉnh sau khi tăng mạnh ở phiên giao dịch trước. Phiên thứ Sáu (1/6), hợp đồng giao ngay đã đạt mức cao kỷ lục 3 tháng là 12,97 US cent/lb. Đường trắng phiên vừa qua cũng giảm mạnh nhất kể từ tháng 7/2017, xuống 377,4 USD/tấn (giảm 15,6 USD tương đương 4,4%).

Chính phủ Brazil đã hạ giá nhiên liệu sau khi các lái xe trên toàn quốc đình công đã khiến nhu cầu mía dùng sản xuất ethanol tại nước này giảm bớt. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, hầu hết các ước tính đều cho rằng sản lượng đường ở khu vực sản xuất lớn nhất nước này (khu trung –nam) vẫn giảm vì khô hạn, và dự báo lượng mía các nhà máy mua được để sản xuất đường năm nay sẽ sụt giảm.

Cacao và cà phê giảm

Giá cacao giao tháng 7 tại New York giảm 107 USD (-4,35%, giảm mạnh nhất kể từ ngày 3/4) xuống 2.351 USD/tấn (mức thấp nhất trong vòng 3 tháng). Cacao tại London cũng giảm 67 GBP tương đương 3,8% xuống 1.693 USD/tấn. Các yếu tố cơ bản vẫn đang tích cực gây áp lực giảm giá mặt hàng này.

Cà phê cũng giảm giá, loại arabica giao tháng 7 giảm 1,25 US cent tương đương 1% xuống 1,215 USD/lb, trong khi loại robusta giao cùng kỳ hạn giảm 5 USD tương đương 0,3% xuống 1.745 USD/tấn. Thị trường đã trở lại bình thường sau khi giá tăng lên mức cao nhất 4 tháng ở phiên giao dịch trước bởi xuất khẩu từ Brazil bị gián đoạn do các lái xe đình công. Theo thông báo mới nhất từ Tổ chức Cà phê quốc tế, xuất khẩu cà phê toàn cầu trong tháng 4 tăng 7,1% so với cùng kỳ năm trước lên 10,18 triệu bao (1 bao = 60 kg); tính chung trong 7 tháng đầu niên vụ 2017/18 (bắt đầu từ tháng 10), xuất khẩu tăng 1,2% lên 70,65 triệu bao, trong đó riêng trong tháng 4 xuất khẩu arabica đạt 6,24 triệu bao (tăng 3,1%), còn robusta đạt 3,94 triệu bao (tăng 14,1%).